



Chi tiết tin
Mô hình Tổ hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) thời gian qua đạt hiệu quả kinh tế cao đang được địa phương tìm cách nhân rộng để bà con nông dân có thêm hướng sản xuất mới, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Tổ hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở xã Hậu Mỹ Trinh do Hội Nông dân kết hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập vào ngày 27 tháng 8 năm 2020, khi mới thành lập Tổ hội này chỉ có 9 hội viên nhưng đến nay đã thu hút được 12 hội viên tham gia với tổng diện tích trồng rau nhút lên đến 60 công.
Thực hiện theo Quy chế hoạt động, hàng quý các thành viên trong Tổ hội tham gia sinh hoạt 01 lần. Tại các buổi sinh hoạt này, các hội viên chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc rau nhút hay các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, cùng nhau bàn bạc tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp, các thành viên trong Tổ hội cũng thường xuyên được ngành nông nghiệp xã tập huấn, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh gây hại trên rau nhút.
Chị Nguyễn Thị Phượng ở ấp Mỹ Trinh B, thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở xã Hậu Mỹ Trinh cho biết, gia đình đang thu hoạch 7 công rau nhút, trung bình 1 ngày cắt từ 120 - 130 kg, với giá từ 9 - 10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận vài trăm ngàn đồng/ngày. Nhờ đó, chị có điều kiện cho con ăn học, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Chị Phượng cho biết thêm, để rau nhút có năng suất cao, trước khi thả rau cần dọn lại nền đất, tiêu độc khử trùng và phơi mặt đất để hạn chế tối đa mầm bệnh. Mỗi hàng rau cách nhau từ 1 - 2 m. Rau nhút trồng 20 ngày là bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài hơn một tháng.
Thực tế cho thấy, trồng rau nhút tuy lợi nhuận cao nhưng cũng tốn nhiều công chăm sóc hơn trồng lúa. Bởi rau cũng dễ sinh bệnh khi gặp thời tiết thất thường như quá nóng, mưa nhiều, sương muối nhiều. Một số bệnh thường gặp ở rau nhút như bị nhiễm rầy, rụng lá, chết dây, nếu như phần lá rau nhút bị chìm dưới mặt nước sẽ gây ra tình trạng úng lá, dẫn đến năng suất giảm. Để cây rau nhút phát triển tốt, xanh tươi, cần phải thả nhiều bèo tấm nhằm tạo độ mát cho mặt ao; đồng thời, người trồng phải thường xuyên theo dõi độ tăng trưởng của rau nhút để kịp thời phát hiện dịch bệnh.
Chị Đinh Thị Thanh Thúy – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hậu Mỹ Trinh cho biết: Tổ hội nghề nghiệp đã phát huy tính cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả cao hơn. Trong thời gian qua, mô hình Tổ nghề nghiệp trồng rau nhút ở đây hoạt động hiệu quả, giúp cho các thành viên trong Tổ hội có được nguồn thu nhập ổn định. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn xã. Ðây là hoạt động nhằm đổi mới, đa dạng hóa mô hình theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào nông dân phát triển kinh tế tăng thu nhập.
Mô hình Tổ hội nghề nghiệp trồng rau nhút ở xã Hậu Mỹ Trinh có thể nhân rộng cho bà con nông dân cùng áp dụng, giúp cải thiện đời sống gia đình, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở địa phương./.
Chiêu Nam


Thông báo
Thư viện Videos
Ảnh đẹp Cái bè







Liên kết web
Thống kê truy cập
  Đang truy cập : 5
  Hôm nay: 67
  Tổng lượt truy cập: 3536707